Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Cứ đến mỗi mùa lúa chín thì ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trùng trùng điệp điệp nhuộm vàng óng cả vùng đẹp ngỡ ngàng khiến ai đã nhìn qua thì khó có thể rời mắt.
Nét chính về ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín
Với những “phượt thủ” chuyên nghiệp thì việc “đi phượt” để săn những khoảnh khắc đẹp mắt vào mùa đổ nước hay mùa lúa chín tại Hoàng Su Phì từ lâu đã không còn là điều gì quá đỗi xa lạ.
Những thửa ruộng bậc thang ở nơi đây có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với giới nhiếp ảnh và những người đam mê du lịch bởi vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ. Vào mỗi mùa thì ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lại mang cho mình một vẻ đẹp riêng. Mùa đổ nước, những thửa ruộng bậc thang giống như hóa thành các tấm gương khổng lồ soi bóng của trời mây, tạo nên hình ảnh vô cùng kỳ ảo.
Đến mùa lúa chín thì khung cảnh nơi đây lại như biến thành một bản hòa tấu với các khuông nhạc là những thửa ruộng bậc thang, còn người dân và những căn nhà thì như những nốt nhạc. Chẳng phải tự nhiên mà giới “phượt thủ” vẫn hay truyền tai nhau là “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” khi nói đến vẻ đẹp độc đáo của các thửa ruộng bậc thang nơi đây.
Huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích ruộng bậc thang khoảng hơn 3700 ha, trải dài khắp trên toàn bộ 25 xã, thị trấn nhưng các thửa ruộng đẹp và có quy mô lớn thì chủ yếu tập trung trên diện tích 1380ha tại 11 xã gồm Bản Phùng, Sán Sả Hồ, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Thông Nguyên… Đây là những địa điểm thuộc vào di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia vào các năm 2011 và 2016.
Không chỉ là tuyệt tác của tạo hóa mà ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín còn là bản hùng ca về sức lao động cùng với sự sáng tạo của người dân bản địa. Từ những điều kiện tự nhiên sẵn có cùng với tập quán sản xuất đã được hình thành từ rất lâu đời, người dân nơi đây đã khắc phục những khó khăn để tạo ra được các thửa ruộng bậc thang ôm sát theo các sườn núi cheo leo. Tận mắt chứng kiến được những thửa ruộng bậc thang “chảy tràn” từ đỉnh núi xuống, các du khách đã phải thốt lên rằng: “Người dân nơi đây thực sự là những kiến trúc sư, những nghệ sĩ rất tài tình khi đã kiến tạo nên tuyệt tác thiên nhiên vô cùng độc đáo và hấp dẫn như vậy”.
Không chỉ là một danh lam thắng cảnh mà khi đến với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín, du khách còn có thể tìm hiểu được tập quán canh tác của 12 dân tộc anh em đang cùng chung sống tại đây, mỗi dân tộc khác nhau lại có một tập quán khác nhau.
Nếu như người La Chí biết tận dụng tất cả những khu vực mà có thể canh tác được để làm ruộng bậc thang, người Nùng lại thường làm ruộng sát nhà với quan niệm rằng “ruộng đâu nhà đấy”. Còn ruộng của người Dao đỏ ở Hồ Thầu lại thường được bao quanh bởi những rừng vầu, đan xen với các thác nước tạo nên vẻ đẹp riêng mà không nơi đâu có được. Chính sự khác biệt ở trong phương thức canh tác của các dân tộc mà ruộng bậc thang ở mỗi nơi lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Ở Thông Nguyên, Nậm Ty hoặc Sán Sả Hồ là các thửa ruộng bậc thang rộng mênh mông, trải dài tít tắp, còn ở Bản Phùng thì là những khu ruộng đồ sộ, cao đến hàng trăm bậc…
Đan xen với sự đa dạng trong tập quán canh tác còn là các lễ hội, phong tục mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc anh em ở Hoàng Su Phì như hội chọi dê ở xã Nậm Ty, Thông Nguyên, lễ cúng Bàn Vương của người Dao ở xã Hồ Thầu… được tỉnh Hà Giang nỗ lực bảo tồn.
Đọc Thêm: Khám Phá Du Lịch Hà Giang Đẹp Thơ Mộng, Hấp Dẫn Cho Du Khách
Khi nào đến mùa lúa chín Hoàng Su Phì
Du lịch mùa lúa chín Hoàng Su Phì bạn sẽ được chiêm ngưỡng các thửa ruộng bậc thang trùng điệp tuyệt đẹp, những ai đã từng được nhìn qua thì khó có thể nào quên được. Thời điểm mùa lúa Hoàng Su Phì chín là từ tháng 9 đến giữa tháng 10 dương lịch. Nơi đây lúc này được bao phủ bởi sắc vàng sáng tươi, ấm áp.
Nếu như bạn muốn hít hà vị ngọt của hương lúa chín và check in các tấm ảnh lúa vàng óng ả thì nên ghé thăm Hoàng Su Phì vào khoảng thời gian này. Từ giữa tháng 10 trở đi là bà con sẽ nhanh chóng thu hoạch lúa, các thửa ruộng sẽ chỉ còn màu xám xịt kém hấp dẫn nên bạn đừng bỏ lỡ thời khắc cánh đồng lúa chín đẹp nhất này.
Hướng dẫn cách di chuyển đến ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín
Để di chuyển tới ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín sẽ có 3 hướng khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, sở thích cũng như vị trí địa lý của mình mà bạn hãy chọn một phương thức phù hợp.
Xe máy
Hoàng Su Phì cách Hà Nội khoảng 300km, đường đi vô cùng hiểm trở với các con đường thường nhỏ hẹp quanh co men theo núi và có rất ít phương tiện xe cộ đi lại. Nhiều phượt thủ yêu thích phiêu lưu lựa chọn xe máy làm phương tiện di chuyển đến Hoàng Su Phì. Tuy nhiên thời tiết ở đây mùa lúa chín thường xuyên có mưa, đường núi rất khó đi nên nếu như tay lái của bạn không quá vững vàng thì nên ưu tiên đi xe khách để có thể đảm bảo an toàn.
Trước tiên bạn hãy di chuyển tới Hà Giang. Từ thành phố Hà Giang sẽ mất thêm khoảng 80km nữa để đến Hoàng Su Phì. Bạn có thể di chuyển ngược lại theo hướng của quốc lộ 2 để đến Tân Quang sau đó rẽ vào đường DT 177 rồi đi thẳng là sẽ tới nơi. Hoặc bạn cũng có thể chạy dọc theo tuyến đường đi lên phía cửa khẩu Thanh Thủy rồi sau đó qua Tây Côn Lĩnh để đến được Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Xe khách
Xuất phát ở Hà Nội bạn có thể bắt được các chuyến xe khách tuyến Hà Nội – Hà Giang của nhiều nhà xe ở bến xe Mỹ Đình với giá vé xe sẽ dao động từ 260,000 – 300.000Đ/người. Thời gian di chuyển sẽ rơi vào khoảng 8 tiếng tùy điều kiện giao thông do đó du khách nên bắt những chuyến xe đêm để ngủ trên xe một giấc là sáng mai đã đặt chân tới Hoàng Su Phì rồi.
Để có thể di chuyển tới Hoàng Su Phì thì các bạn có thể thuê xe máy ở tại thành phố Hà Giang rồi đi qua phía cửa khẩu Thanh Thủy sau đó vượt Tây Côn Lĩnh là đến nơi.
Đi máy bay từ Sài Gòn
Nếu như đi từ Sài Gòn thì các bạn nên canh giờ xe ô tô khởi hành ở Hà Nội rồi mới đặt vé máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội (giá vé máy bay sẽ dao động từ 650,000Đ – 1,200,000Đ, chưa bao gồm thuế phí), thời gian để bay hết khoảng 2h. Hầu như những xe khách đi từ Hà Nội đến Hà Giang vào ban đêm đều chạy theo tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nên du khách có thể liên hệ trước với nhà xe và hẹn đứng chờ ở chỗ ngã tư giao giữa Nội Bài – cao tốc Thăng Long và QL số 2 (cách sân bay Nội Bài khoảng chừng 1km) để có thể thuận tiện đón xe lên Hoàng Su Phì.
Đọc Ngay: Du Lịch Hà Giang Bằng Ô Tô Tại https://hapotravel.com/du-lich-ha-giang-bang-o-to/
Những địa điểm đẹp ngắm nhìn ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín
Nằm ở vị trí cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 80km về phía Tây, huyện Hoàng Su Phì sở hữu cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ với nhiều di tích, di sản xếp hạng cấp quốc gia và đặc biệt là các thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín đẹp như tranh vẽ.
Ruộng bậc thang ở nơi đây đã được đồng bào những dân tộc khai thác suốt hàng ngàn năm, thay thế cho việc đi làm nương rẫy. Những cây lúa Hoàng Su Phì vươn cao và cứng cáp, khi thu sang sẽ chuyển qua sắc vàng óng ả dưới ánh sáng mặt trời, đem lại cuộc sống ấm no cho những hộ gia đình ở bản làng. Đồng thời tô điểm lên nét đẹp trù phú ấm áp cho mảnh đất đất Hoàng Su Phì.
Địa bàn của huyện Hoàng Su Phì hầu hết đều có ruộng bậc thang nhưng đẹp nhất là những bản: Bản Phùng, Hồ Thầu, Sán Sả Hồ, Bản Luốc, Nậm Ty, Thông Nguyên.
1. Ruộng bậc thang Bản Phùng
Xã này nằm ở gần biên giới với Trung Quốc, cách thị trấn Vinh Quang khoảng 30km, đi theo một con đường nhỏ bạn sẽ gặp được những thửa ruộng bậc thang đang nằm cheo leo bên dốc núi.
2. Ruộng bậc thang Hồ Thầu
Cách xã nậm Dịch khoảng 16km, là ruộng của người dân tộc Dao Đỏ, ao ngút tầm mắt, rất rộng, mênh mông bát ngát, ruộng đều và ít dốc.
3. Ruộng bậc thang Bản Luốc
Có địa hình núi đất, dốc vừa phải nên có rất nhiều thửa ruộng bậc thang có hình lượn sóng hay cánh cung, ruộng ở đây chủ yếu là của người dân tộc Nùng và Dao.
4. Ruộng bậc thang Thông Nguyên
Đây được mọi người bình chọn là địa điểm ngắm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín đẹp nhất, đặc biệt là đoạn km số 24, trên quãng đường từ Bắc Quang đi tới Hoàng Su Phì.
5. Ruộng bậc thang Nậm Ty
Cũng nằm trên km số 24 nhưng đây lại là những thửa ruộng của người Dao Đỏ và đã được nhà nước công nhận là di tích Quốc gia ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì.
Phượt Hoàng Su Phì thì các bạn sẽ được thỏa sức mà tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các thửa đồng ruộng bậc thang màu vàng óng ả của lúa chín. Cảnh yên bình tĩnh lặng của những bản làng sẽ cho bạn các cảm nhận khó quên và những trải nghiệm vô cùng mới mẻ khi ” băng rừng, vượt suối” để có thể đến với sự hùng vĩ của tạo hóa.
Kinh nghiệm du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín
Đường đi du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín khá treo leo và hiểm trở, vì vậy nên bạn cần phải trang bị cho mình những kiến thức trước khi lên đường để đảm bảo an toàn cũng như có một trải nghiệm du lịch tuyệt vời nhất. Dưới đây Hapotravel sẽ chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín
- Nếu như bạn phượt Hoàng Su Phì bằng xe máy thì cần phải đem theo đầy đủ giấy tờ, xe đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật khi đi đường núi trong khoảng thời gian dài như có đèn pha, phản quang, phanh…
- Thời tiết ở Hoàng Su Phì tương đối lạnh vào mùa lúa chín nên bạn cần phải đem theo áo ấm. Nên chọn các trang phục phù hợp khi đi du lịch vùng đồi núi.
- Bạn cũng có thể đem thêm kẹo bánh, đồ ăn vặt vì ở đây thường sẽ không có các hàng quán nhiều.
- Ngoài ra thì bạn cũng nên đem theo một ít đồ dùng quần áo và kẹo bánh để cho những trẻ em vùng cao. Không nên thể hiện thái độ quá tò mò khi nhìn thấy người dân tộc ở nơi đây.
Tham Khảo Thêm: Tổng Hợp Kinh Nghiệm Du Lịch Hà Giang Từ A-Z Chi Tiết Nhất
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín không chỉ là cảnh đẹp kỳ vĩ còn là một nét độc đáo trong đời sống của người dân bản địa. Ngoài chuẩn bị các đồ dùng cần thiết để có một chuyến đi thú vị thì những kinh nghiệm đi mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì an toàn và thuận tiện này chắc chắn sẽ giúp bạn có kiến thức và bí kíp để khám phá Hà Giang mùa thu suôn sẻ.